Bến Tre: Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở kinnh doanh chỉ xơ dừa

14/05/2025 09:41:00 AM
+Aa-
0:00
Microphone

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ dừa. Loại hình này rất dễ xảy ra cháy, nổ nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn….

Ngay khi bước vào mùa khô năm 2025, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã quyết liệt triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người làm việc tại cơ sở và khách hàng chấp hành nghiêm các quy định an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn PCCC và CNCH trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại cơ sở. Tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC theo quy định, nhất là vào thời điểm bắt đầu, kết thúc hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày; thường xuyên nhắc nhở công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định an toàn điện, an toàn lao động và an toàn PCCC trong sử dụng lửa, điện; không tồn chứa nhiều chỉ xơ dừa trong khu vực sản xuất, không để các kiện chỉ xơ dừa, mụn dừa cản trở lối di chuyển, đường thoát nạn và phải đảm bảo di dời nhanh, không cản trở việc triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Lưu ý việc sử dụng các máy móc, thiết bị để xúc, ủi hoặc đảo chỉ xơ dừa tại các sân phơi thì ống thải khói phải có bộ phận dập tàn lửa và thường xuyên kiểm tra tránh để chỉ xơ dừa quấn vào máy móc, thiết bị gây ma sát tạo nhiệt gây cháy.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt hệ thống điện tại cơ sở phải đảm bảo an toàn điện, an toàn PCCC, không cản trở giao thông phục vụ chữa cháy. Hệ thống điện phải được chia thành các hệ thống riêng (hệ thống điện phục vụ sản xuất, kinh doanh; hệ thống điện phục vụ chiếu sáng sự cố và chữa cháy); các thiết bị đóng, ngắt, ổ cắm điện nếu đặt trong khu vực môi trường có nồng độ bụi cao (khu sản xuất, khu đóng gói, khu vực ép kiện...) phải đặt trong các hộp kín; khi hết giờ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo ngắt toàn bộ hệ thống điện phục vụ cho các khu vực sản xuất, kinh doanh.

Việc bố trí, sắp xếp các kiện chỉ xơ dừa, chỉ khô, mụn dừa và các sản phẩm từ dừa trong kho chứa, bãi chứa và tại các khu vực chứa phải bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện theo quy định; phương tiện, dụng cụ chữa cháy để ở nơi dễ thấy, dễ lấy.

Tại các khu vực tước chỉ, ép chỉ, sân phơi chỉ, mụn dừa và kho chứa phải niêm yết nội quy an toàn về PCCC, bố trí các biển cấm sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt để cảnh báo mọi người.

Duy trì việc kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ, hệ thống báo cháy, chữa cháy, chống sét, chiếu sáng sự cố, thoát nạn đã trang bị, lắp đặt tại cơ sở để sử dụng kịp thời, hiệu quả khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Thành lập, kiện toàn, củng cố đội PCCC cơ sở đủ số lượng, phân công nhiệm vụ hoạt động cụ thể và được huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định. Tổ chức tốt công tác thường trực chữa cháy, CNCH tại chỗ, tăng cường lực lượng ứng trực PCCC trong những ngày lễ, tết, ngoài giờ làm việc để xử lý kịp thời các sự cố về cháy, nổ; xây dựng hoàn chỉnh phương án chữa cháy của cơ sở và tổ chức học tập, thực tập phương án chữa cháy định kỳ hàng năm; tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định. Chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy, CNCH tại cơ sở, nhất là phải đảm bảo giao thông, nguồn nước dự trữ phục vụ chữa cháy vào mọi thời điểm.

Khi xảy ra cháy, báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC và CNCH qua số máy 114 hoặc chính quyền, công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất; đồng thời, sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời, có hiệu quả./.

Minh Thơ


Chia sẻ:Share on Zalo

TIN TỨC LIÊN QUAN