Ứng dụng kĩ thuật thở của quân đội Mỹ đối với công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

11/04/2025 09:46:00 AM
+Aa-
0:00
Microphone

Kỹ thuật thở "Tactical Breathing" (còn gọi là "combat breathing" hoặc "box breathing") là một phương pháp kiểm soát hơi thở được sử dụng rộng rãi trong các tình huống căng thẳng của quân đội Mỹ, nhằm giúp cơ thể và tâm trí duy trì sự bình tĩnh, tập trung và giảm căng thẳng khi đối mặt với các tình huống nguy cấp, nguy hiểm.

Mục đích của kĩ thuật thở “Tactical Breathing” giúp giảm căng thẳng, giúp kiểm soát phản ứng cơ thể đối với căng thẳng, giảm nhịp tim và ổn định huyết áp. Ngoài ra còn tăng cường sự tập trung, khi tâm trí được điều chỉnh, người thực hiện có thể tập trung tốt hơn vào nhiệm vụ, đặc biệt trong các tình huống nguy hiểm. Tối ưu hóa hiệu suất, đặc biệt hữu ích cho những người làm việc trong môi trường căng thẳng cao như lính cứu hỏa, quân đội, cảnh sát... Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản về kỹ thuật thở này đối với lính chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi sử dụng bộ mặt nạ phòng độc cách ly (SCBA):

I. Nhịp thở của chiến sĩ khi sử dụng bộ SCBA

Không có một con số “chuẩn” cụ thể áp dụng cho mọi người lính chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vì nhịp thở phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cường độ công việc, điều kiện môi trường, thể trạng và mức độ căng thẳng trong từng tình huống cụ thể. Tuy nhiên, dưới đây là một số thông tin tham khảo:

1.1. Nhịp thở ở trạng thái nghỉ:

Ở người trưởng thành bình thường, nhịp thở thường dao động từ 12 đến 20 nhịp/phút khi đang nghỉ ngơi.

1.2. Nhịp thở khi hoạt động cường độ cao:

Khi thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc thực hiện việc tập luyện trong điều kiện nặng nhọc (đang đeo SCBA), nhịp thở có thể tăng lên đáng kể. Một số nghiên cứu và hướng dẫn đào tạo cho thấy trong quá trình hoạt động cường độ cao, nhịp thở có thể tăng lên từ 30 đến 60 nhịp/phút hoặc thậm chí cao hơn tùy thuộc vào điều kiện và khả năng kiểm soát của người lính. Một số trường hợp đối với các chiến sĩ mới sử dụng bộ thiết bị SCBA còn xuất hiện hiện tượng thở dốc, khó thở, phải bỏ mặt ra ngay lập tức.

II. Kỹ thuật thở "tactical breathing"

Kỹ thuật thở "tactical breathing" thực hiện đơn giản, giúp làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp, khiến người tập trở nên bình tĩnh hơn. Trước tiên ta phải thực hiện trong điều kiện bình thường, sau đó mới áp dụng khi thực hiện các bài tập với bộ thiết bị SCBA, các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Nhắm mắt và hít vào chậm rãi bằng mũi, đếm 1-2-3-4, hình dung từng con số khi đang hít vào.

Bước 2: Nín thở và đếm 1-2-3-4.

Bước 3: Thở ra chậm rãi bằng miệng và đếm 1-2-3-4.

Bước 4: Lặp lại chu kỳ từ 3 đến 5 lần.

Chiến sĩ sau khi sử dụng bộ thiết bị SCBA

Phương pháp này thường theo chu kỳ gồm 4 bước, mỗi bước đều có thời gian cân bằng. Mặc dù mẫu 4-4-4-4 giây là tiêu chuẩn ban đầu, nhưng tùy thuộc vào tình trạng thể chất, mức độ hoạt động và cảm nhận cá nhân, thời gian có thể được điều chỉnh (ví dụ: 3-3-3-3 hoặc 5-5-5-5 giây).

Kỹ thuật thở này có tác dụng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp thư giãn cơ thể. Kết quả khiến nhịp tim chậm hơn, huyết áp giảm, giải phóng tình trạng căng cơ, khiến người thực hiện bình tĩnh hơn rất nhiều. Do đó, kỹ thuật tactical breathing được áp dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Căng thẳng ngắn hạn có thể làm tăng hiệu suất và hiệu quả công việc. Nhưng nghiên cứu cho thấy, căng thẳng mãn tính là một "kẻ giết người thầm lặng", tàn phá cả thể chất và tinh thần.

Khi căng thẳng xảy ra, cơ thể giải phóng cortisol và các hormone khác để khởi động phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Thông thường, hai chất này giảm xuống khi mối đe dọa biến mất. Nhưng khi căng thẳng trở thành liên tục, cortisol vẫn ở mức cao, dần dần phá vỡ các chức năng quan trọng của cơ thể theo thời gian. Hậu quả của tình trạng này rất nghiêm trọng. Căng thẳng mãn tính có liên quan đến nhiều vấn đề, từ tăng cân, huyết áp cao đến yếu cơ, bệnh tim, thậm chí khiến hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài có thể làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, đồng thời gây rối loạn giấc ngủ.

Chiến sĩ sử dụng bộ mặt nạ SCBA trong công tác chiến đấu

III. Tầm quan trọng của việc kiểm soát hơi thở trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Áp dụng kĩ thuật trên vào công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giúp chiến sĩ được thở có kiểm soát, nhằm giảm lãng phí khí thở từ bộ thiết bị SCBA. Việc thở sâu, chậm và đều đặn giúp tối ưu hóa việc sử dụng khí, kéo dài thời gian làm việc an toàn.

Chiến sĩ nên áp dụng bài thở trong việc tập luyện thường xuyên, qua quá trình huấn luyện, người lính học cách điều chỉnh nhịp thở theo mức độ hoạt động của mình, nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ thể nhưng không gây hao hụt khí không cần thiết. Đảm bảo rằng trong môi trường làm việc nặng nhọc, chiến sĩ vẫn duy trì được hiệu suất làm việc tốt. Mặc dù ở trạng thái nghỉ nhịp thở khoảng 12–20 nhịp/phút, nhưng trong môi trường làm việc thực tế với cường độ cao, nhịp thở của người lính cứu hỏa có thể tăng lên từ 30 đến 60 nhịp/phút.

Điều quan trọng là chiến sĩ phải được đào tạo và tập luyện thường xuyên để kiểm soát và điều chỉnh nhịp thở phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả thở tốt nhất sử dụng khí từ bộ thiết bị SCBA.

Vũ Duy Hưng – Trung tâm


Chia sẻ:Share on Zalo

TIN TỨC LIÊN QUAN